Em đăng ký vào nhóm trình bày C, nghĩa là nhóm những người đã có cuộc sống an vui. Em có ba phút để trình bày cuộc sống của mình đã chạm đến sự an vui như thế nào cho mọi người cùng nghe. Em xuất hiện với gương mặt cười hiền, “Em là người có con số chủ đạo 7, cuộc đời cũng va vấp ít thăng trầm, nhưng may nhờ sống tích cực và bén tâm linh sớm, em cũng đã vực dậy sau mỗi điều bất ý xảy ra”.
Em kể, cuộc sống của em từ nhỏ đến lớn khá an ổn, cho đến năm cá nhân số 7 cách đây hai năm, trong chặng đường hướng đến đỉnh cao số 4, một biến cố rất lớn đã xảy ra với gia đình: chồng thì phá sản, đứa con gái đầu bị t.ai n.ạ.n qua đời… Đến đây, niềm an vui trên gương mặt lúc mới phát biểu của em, hiển hiện lên một sự mênh mang rất khó tả. Như lời em kể, những ngày đầu khi con gái qua đời, em như tê liệt, nỗi đau mất con, cùng với sự oán giận người đã gây nên cái c.h.ết của con, làm em cứ sống trong chuỗi ngày dằn vặt, xót xa, oán thù.
Khi đọc đến những dòng này, có thể bạn cũng đang tự hỏi giống tụi mình trong buổi hôm ấy, tại sao cô gái này chọn nhóm an vui, trong khi câu chuyện mà cô kể cho cả lớp lại có tính ‘sát thương’ đến như vậy, phải không? Em kể tiếp, nỗi đau ngày ấy tưởng chừng không thể nguôi ngoai, cho đến một ngày, em nhận ra, việc mang trong mình những vết sẹo là một cảm giác không hề dễ chịu chút nào. Nỗi đau âm ỉ, cứ ‘trái gió trở trời’ một tí lại buốt lên. Và em, quyết định buông…
“Sắp tới đây, là ngày giỗ lần hai của con. Điều mà em mong nhất, chính là được gặp lại người đã gây nên t.ai n.ạn cho con, để xí xóa lỗi lầm. Điều mà, trước đây em chưa làm được”. Tụi mình nhẹ cả lòng. Nhẹ lòng vì nói ra được những lời đó, có nghĩa là lòng em đã sẵn sàng buông một nỗi đau lớn, đeo đuổi em trong suốt ngần ấy thời gian. Nhẹ lòng, vì mình tin, khi em học được cách chấp nhận và vượt qua nỗi đau, cũng là lúc, em sẽ bước sang những ngày mới với vết thương được chữa lành. Em sẽ sống đúng với nhóm thảo luận C – nhóm An vui, như em đã lựa chọn. Mình tin vậy!
Cũng trong tập thể ấy, một bạn nữ khác kể, sau thời thiền Sám hối và Khai tâm vào buổi sáng trước khi chương trình chính thức bắt đầu, trong tâm trí em đã 'nhìn thấy' hai con người từng làm tổn thương sâu sắc, khi em nhắm mắt tĩnh tâm hít thở theo từng lời sám hối Xin lỗi và Cảm ơn. Một người là cậu ruột, một người là hàng xóm, và cả hai đã từng… x.â.m hại em khi em còn nhỏ, và đây là lần đầu em kể ra những chuyện này cho người khác nghe.
Cảm xúc tụi mình tê cứng. Thương cho em gái nhỏ đã gồng gánh cảm xúc thương tổn ấy trong suốt bao nhiêu năm qua. Em bảo: “Hai người đó cũng đã mất rồi, chuyện đã qua, em cũng chọn không nhớ lại. Nhưng không hiểu sao, trong thời thiền sáng nay, hình ảnh họ hiện về thật rõ..."
Các bạn gửi đến em nhiều sự thương cảm. Các bạn nói, có lẽ mấy người đó hiện về trong tâm trí em là bởi vì họ xin em tha thứ… Còn mình thì bảo, em chọn không nghĩ tới nữa, nhưng có lẽ đứa trẻ bên trong em vẫn còn đau đớn, nên khi chạm đến 108 lời Sám hối và Khai tâm, nó sẽ được gợi nhắc và đánh thức lại những thương tổn trong em, nếu em chưa ‘xử lý’ triệt để nó. Em nghĩ mình đã quên, đó có thể là do em ép lý trí của em quên đi, không được nghĩ tới, nhưng thật ra, vết sẹo của em vẫn còn đó, em không chịu bôi thuốc, xoa dầu cho nó lành, thì khi vô tình chạm đến, nó cũng sẽ nhói lên thôi.
Lại nhớ cách đây ba năm, trong chương trình ‘Thay lời muốn nói’ mang chủ đề Yên, tụi mình đã từng chia sẻ câu chuyện về một cô gái trẻ từng mất người em gái ruột, và từ đó về sau, dẫu cho vẻ bề ngoài em có vẻ mạnh mẽ cứng cỏi thế nào, trái tim em không ngừng ray rứt ân hận vì đã quá bận rộn không nghe em tâm sự được vào phút cuối… Hồi ấy, lòng mình sâu sắc hiểu, đôi khi với một sự ra đi quá đột ngột của một người, tất cả những người thân trong gia đình cũng dường như ‘đi’ theo…, trong cả một thời gian dài.
Thực tế, cũng không thể nào kêu người ở lại “Thôi bớt buồn”, hay “Đứng dậy đi, và sống tiếp”. Cái cảm giác chìm sâu vào nỗi đau, đôi khi tê điếng như không còn cảm thấy đau là gì nữa, chắc chắn sẽ tồn tại trong một quãng thời gian ngắn dài. Tuy vậy, hãy cố gắng đừng để mình chìm mãi trong cảm giác đau đớn ấy. Hãy cố gắng gượng dậy, bởi cho dẫu chúng ta có thế nào, cuộc sống vẫn đang luôn tiếp diễn.
Người mất thì cũng đã mất rồi. Nhưng những người còn ở lại, sẽ sống tiếp thế nào…?
Với những vết thương lòng sâu đậm như thế này, mình thành thật khuyên bạn, hãy dùng tình thương để tha thứ cho họ. Mình biết là khó, vì khi đi trên một dòng nước ngược thì sẽ khó thuận dòng. Nhưng bạn ráng lên, chấp nhận và dũng cảm buông và sau đó, hãy dùng tình thương để bồi lấp lại những khoảng trống lòng.
Nếu bạn đã từng qua chương trình Căn bản Quản trị cuộc sống với Nhân số học cùng chúng mình, ở phần Năng lượng, bạn sẽ hiểu mức năng lượng khi bạn cảm thấy đau thương chỉ có 75, giận dữ 150, ngược lại, khi bạn chấp nhận, sóng năng lượng sẽ lên đến 350 và khi bạn dùng tình thương để đối đãi với mọi thứ, bạn sẽ đạt mức 500 của năng lượng.
Sau những thời thiền, yoga của mình, mình sẽ đều hồi hướng “cho lịch đại kiếp số oan thân trái chủ, tất cả chúng sanh đã bị con não loạn vì bất cứ lý do gì. Hồi hướng cho tất cả sinh linh đã bị con giết hại để ăn thịt, hoặc để vui chơi, hoặc vô tình, hoặc cố ý... hưởng được phần lợi lạc. Xin xóa bỏ hận thù, hộ pháp cho nhau, đồng nghiệp vãng sanh, đồng sanh Cực Lạc”. Nên mình cũng khuyên các em, sau này, khi đọc xong Ho’Oponopono, em cũng nhớ hồi hướng đến những người đó, để xí xóa hết những duyên nghiệp, nhân quả của đời này, xóa đi những rác tiềm thức và khởi tình thương rộng khắp, cho lòng mình nhẹ buông, nha!
Khi nói ra được những điều này, mình tin, đứa bé bên trong của các em ấy cũng đã lột bỏ được một tầng, và việc của mỗi người là đi xoa dịu và bồi đắp cho đứa bé ấy thêm thật nhiều tình yêu thương. Đừng giữ mình trong một ngõ hẹp chật chội nào cả, can đảm đối diện, can đảm chấp nhận và can đảm bước qua, những vết thương rồi sẽ được chữa lành.
Buông, để trước hết, lòng mình được an, bạn nha!
Gửi niệm lành cho tất cả,
(Bài viết từ tháng 06.2021 – QH & MayQ Team)