NẾU THẬT THƯƠNG NHAU, CHỈ NÊN HẸN GẶP LẠI NHAU Ở CÕI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC

Đăng bởi MayQ Share vào lúc 10/07/2023

"Nếu thật thương nhau, chỉ nên hẹn gặp lại nhau ở cõi Tây Phương Cực Lạc." Đó là lời dạy quý giá mà mình học được từ Đại sư Tịnh Không.

Sự ra đi của Cha thương yêu của tụi mình đã đưa tất cả chị em nhà mình, cả gia đình lớn của mình đi đến thêm một bước ngoặt lớn lao về mặt nhận thức. Trong đó, đáng kể là sự ý thức rõ nét hơn về sức mạnh lớn lao của câu niệm Phật vô cùng đơn giản mà thú thiệt, trước đây mình ít chú ý đầy đủ giá trị của nó. Cùng với đó, là ý thức về sự tồn tại của Cõi Cực Lạc.

Cha mình sinh 7/7/1938, tức hôm nay là sinh nhật ông nè. Cuộc đời ông trải qua nhiều tổn thất, nhất là về mặt sự nghiệp và sức khỏe, cái này mình đã chia sẻ nhiều rồi. Tuy vậy, là một cột trụ chính trong gia đình, năng lượng của ông vẫn giữ con cháu gắn kết bên nhau, yêu thương hỗ trợ nhau, và cùng nhau xúm vô chăm lo cho cha mẹ tuổi về già. Trong hai năm cuối cùng trên dương thế, sức khỏe Cha ngày càng giảm dần. Hàng chục bệnh nan y đồng lòng ‘nổi dậy’ rút lần lần sinh lực ở Cha và gây cho Cha nhiều đau đớn. 17 ngày cuối cùng, Cha nằm trong Phòng Chăm sóc Đặc biệt - ICU, nơi mà thực sự, tụi mình thấy đó là sự đau đớn kéo dài trong rất ít hy vọng. Để rồi cuối cùng, khi thấy không còn khả năng cứu chữa, các bác sĩ cho phép chúng mình đưa Cha về lại nhà ở Long An, nơi ông luôn nguyện được trở về và trút hơi thở cuối cùng.

Có nhiều điều xảy ra làm củng cố thêm những chút gì đó, không quá rõ ràng về mặt nhận thức của chúng mình, nếu chỉ nói theo khía cạnh lý trí.

Ngày Cha còn nằm trong ICU, Cha chỉ giữ được tỉnh táo có tầm vài ngày đầu. Câu nói cuối cùng của Cha trước khi chìm sâu vào những giấc ngủ ngày đêm, là nói với em Yến Hương, lúc đó đang vào giờ thăm Cha hàng ngày. Cha nói, “Sáng nay Cha đi thi. Cái nơi nào mà đông lắm, toàn người mặc đồ trắng không à. Cha phải tu cho ngon để thi đậu, thì mới được ra khỏi chỗ này.” Em Yến Hương kể lại chúng mình nghe. Mình nghiệm ra hai tầng ý nghĩa. Một là, năng lượng Cha đã bay ra khỏi chiều kích của chúng ta bình thường, đã len được đâu đó vào ‘không gian thật’ của Cha, để ở đó, phần linh thức Cha được nhắc nhở, rằng ‘Phải tu mới thoát khỏi”. Với một người cả đời sống lành nhưng rất khó tu tập như Cha, những năm cuối cùng, đọc kinh khó quá, chúng mình chỉ dặn Cha chuyên tâm niệm Phật hàng ngày. Vậy, chữ ‘Tu’ đó xuất hiện trong lời Cha, hẳn là lời thật, là phần linh thức Cha cảm nhận, không phải con người vật lý ít tu tập của Cha đời này.

Và hai nữa, “ra được khỏi ‘chỗ này’”, hiểu nghĩa gần thì là ra khỏi được phòng ICU Chăm sóc đặc biệt đó. Còn rộng hơn, mà mình nghĩ đúng hơn, đó chính là, “ra khỏi được Cõi ta bà này”.

Trước đó, khi Cha còn khỏe hơn, ở nhà, có một vị sư cô người quen của gia đình mình đến thăm, sẵn khai thị cho Cha. Cô nói, tất cả nỗ lực một đời bác cố gắng dành cho con cháu đã đủ rồi, giờ kệ tụi nó tự lực cánh sinh đi. Giờ là lúc bác nên tự dành dụm phước cho mình. Chuẩn bị cho mình ngày rời khỏi thế gian này, mà đừng sợ, vì ai rồi cũng tới ngày đó. Mình luôn chuẩn bị tinh thần sẵn, ngày giờ đó tới, mình vui vẻ, an lạc rời đi, có phải tốt không. Và mình nhớ mãi câu cô nói với Cha: “Chứ con nói thật với bác, ngày mình đi, thật xin lỗi chứ tới cái nút áo (cúc áo) còn bị lặt lại, không đem theo được nữa là cái gì khác”. Và cô dặn, Cha mình mỗi ngày làm gì làm, ráng ‘bỏ ống’ vài trăm câu niệm Phật. Đơn giản lắm, chỉ là “Nam Mô A Di Đà Phật”, hoặc người già khó nhớ khó đọc, có thể đọc ngắn hơn nữa “A Di Đà Phật”.

Ngày chuyển được Cha về tới nhà, Cha chỉ còn thoi thóp. Tụi mình lúc đó đâu biết gì, hoàn toàn lắng nghe theo sự bày bố chỉ dẫn của vị sư cô chị họ chúng mình ở xa gọi về, cùng với một người mợ và đứa em họ, mợ và em đã chuyên trì niệm Phật nhiều năm nay, cũng từng vừa qua đám tang chồng-cha của họ, là Cậu Bảy của chúng mình. Mợ Bảy và em Nhím của tụi mình hối hả tới nhà mình, rồi nói, mọi người lớn giọng niệm Phật theo tụi tôi nha. Rồi là hai người ngồi niệm làm mẫu, tụi mình sau một chút lọng cọng ban đầu, bắt đầu vô trớn, niệm theo. Không có mời ban hộ niệm từ bên ngoài, chỉ toàn người thân và con cháu trong nhà, vậy mà vẫn hộ niệm được cho Cha bằng những tiếng niệm ‘Nam Mô A Di Đà Phật’ ròng rã suốt 11 tiếng: 3 tiếng trước khi ông chính thức mất đi, và 8 tiếng sau khi ông trút hơi thở cuối cùng. Cùng với phần hộ niệm Phật, vị sư cô chị họ còn chỉ đạo mình ‘trò chuyện tâm thức’ với Cha đi, vì Cha vẫn đang ‘nghe’ được Quỳnh đó. Và thế là mình đã có phần trò chuyện kỳ lạ và ‘thấy thương’ nhất trong đời mình từ đó giờ, trải suốt ba tiếng, trong đó mình động viên Cha nhiều thứ, không có gì phải sợ hãi nè, chuẩn bị bước ra khỏi một cơn mơ dài để được ‘thức dậy’ thực sự nè, rồi ý nghĩa tuyệt diệu của sự ‘không sinh không diệt’ trong Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật nữa nè… Nói chung, lúc đó mình gom hết phần lực trong lực ngoài của mình nói theo bản năng thôi, nhưng sau đó mới biết, nói như vậy nhằm hướng người thân sắp ra đi của mình được hiểu ra những chuyện cần làm, cần buông, thì đó là một dạng ‘khai thị’.

Để rồi, với tất cả sự cố gắng của toàn bộ gia đình chúng mình, phút giây Cha chúng mình chính thức lìa đời, gương mặt ông đẹp lạ lùng, còn vương một chút nụ cười, mà nói thiệt, mình chỉ cần nhìn được nét mặt ấy, bỗng chốc có cảm giác bao nhiêu sự nặng lòng về Cha, về tình hình sức khỏe và sự sinh tử ở Cha bao nhiêu tháng nay, thoáng chốc nó trút đi hết sạch. Nhẹ nhõm và an yên vô cùng!

Vấn đề là ở chỗ, chúng mình cũng không biết các bước tiếp theo sẽ như thế nào, chỉ nhất tâm niệm Phật không ngừng nghỉ suốt từ giờ phút đó cho đến giờ tẩn liệm Cha, nghĩa là 8 tiếng đồng hồ sau đó. Có các sư thầy cũng đến để trợ thêm cho các thời hộ niệm, mỗi lần cách nhau vài giờ. Khi các anh nhà quàn xúm vào đưa thân thể Cha lên để giúp đưa vào trong áo quan, mình nhìn thấy thân Cha vẫn mềm mại, như người đang nằm võng ngủ mà thôi. Với mình, chuyện đó cũng bình thường, vì chúng mình cũng không có kinh nghiệm gì về việc này. Cho đến ngày hôm sau, nhân lúc phụ bếp làm cơm cho đám, nghe cô bé trong ekip chạy xuống phụ tụi mình nói rằng, “Thân Ông Ngoại vẫn mềm mại ghê. Chẳng phải như thân ba con mất hồi trước, chỉ để vài tiếng là người đã cứng lại rồi”. Mình hơi lo lắng, vậy như Cha mình có… được xem là bình thường không, có sao không? Đem điều này đi hỏi những người có kinh nghiệm. Thì lúc đó mới vỡ lẽ ra, ôi, Cha tụi mình đã được một dạng ‘hảo tướng’ mà không phải ai cũng có, đó là xác thân vẫn mềm mại nhiều giờ sau khi ra đi. Mợ Bảy am hiểu nhiều chuyện này còn nói, với hảo tướng như vậy, Cha tụi con chắc chắn sẽ ‘đi lên’, còn ‘lên’ được tới đâu, thì còn tùy thuộc vào sự gắng sức của các con trong 49 ngày tới này nha!

Ngộ ra được tầm quan trọng của 49 ngày đầu tiên sau khi người thân qua đời, cả nhà chúng mình xúm vào, làm được thêm cho Cha nhiều việc. Cả nhà cùng nhau ăn chay, đọc kinh Địa Tạng và Kinh A Di Đà hồi hướng cho Cha hàng ngày. Thường xuyên cho hương hồn Cha nghe niệm Phật 24/24 tiếng. Bản tụng có sẵn của quý thầy nghe hơi áo não, mình làm liều, tự niệm tự thu, mở suốt ngày ở bàn thờ Cha cho Cha nghe. Song song đó, tụi mình lấy tiền dành dụm của Cha đem đi xây được một cây cầu cho bà con khó khăn vùng nông thôn Tân Thạnh. Tiền phúng điếu, chúng mình trích ra, một phần góp xây viện dưỡng lão chùa Tường Nguyên, một phần lớn tiếp tục xây thêm ba cây cầu nữa. Phần còn lại, mua 1.000 quyển Kinh Địa Tạng cho các bạn trên trang ai có nhu cầu thì thỉnh, xong lại mở ra ba kỳ gieo duyên đọc Kinh Địa Tạng online mỗi lần được 1.000 người… Mình và chị Diễm còn phát nguyện ăn chay trọn năm nay để hồi hướng cho Cha nữa. Thi thoảng trong 49 ngày đó, có con có cháu trong nhà nằm mơ thấy Cha, tất cả đều trong hình ảnh hoan hỉ vui vẻ. Sau 49 ngày tới nay, thì không nhìn thấy Cha nữa.

Kể từ đó, tình thương kính và sự tín tâm của mình với câu niệm Phật đơn giản ấy tăng lên một cách mãnh liệt.

Tính ra cũng thật kỳ lạ, câu niệm Phật chắc là câu quen nhất đối với tất cả người dân Việt Nam chúng mình cho dù người ấy có đạo hay không có theo đạo Phật. Vậy nhưng, có lẽ do đã quá quen thuộc, cho nên đại đa số người ta không biết quý nó, cũng không cảm nhận, nhìn ra được giá trị vô cùng sâu mầu không thể nghĩ bàn của nó. Thậm chí, hồi đó chưa hiểu Phật pháp, mình nhìn mọi người chào nhau bằng cách nói “A Di Đà Phật”, mình còn thấy… hơi buồn cười (cái này con sám hối sâu đậm, dài lâu rồi nè!)

Giờ đây, với sự ra đi an lành và đẹp đẽ của Cha, phần lớn rất nhiều từ duyên lành gắn với câu niệm Phật, mình bắt duyên nhiều hơn với pháp môn niệm Phật. Mình đọc và nghe được thêm nhiều bài giảng thực sự quý báu của các vị giảng sư chuyên Tịnh độ tông, mà hồi trước do mắc chấp mình chưa nghe được, như Đại sư Tịnh Không, Sư Giác Khang… Và cũng từ đó, mình thực sự cảm nhận được, và thật lòng giao cảm được, về sự có mặt của Cõi Cưc Lạc, một chốn đẹp đẽ, an lành được vẽ ra thật huyền diệu trong Kinh A Di Đà. Mình nghĩ, những gia đình có cha mẹ già, hoặc bản thân mình bắt đầu vào tuổi trung hay cao niên, nên chính thức cho mình một cơ hội để bước vào câu niệm Phật, đơn giản như vậy, mà là một phương pháp ‘bỏ ống’ vi diệu để dọn cho ta con đường về với Cõi Cực Lạc, sau khi ta ‘mãn nhiệm’ với cuộc đời lần này.

Mình nói ‘cuộc đời lần này’, là vì chúng ta nhiều người đã hiểu rằng, chúng ta do duyên dẫn dắt, đã lăn trôi rất nhiều đời nhiều kiếp trong sinh tử luân hồi, trải qua sáu cõi, từ những cõi thuộc hàng ‘cao’ như Trời, người, Atula, đến những cõi ‘thấp’, gọi là Tam đồ khổ, như ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục… Và hẳn nếu chúng ta có ý thức cố gắng đoạn ác làm thiện hết sức có thể, thì nhiều khả năng đời sau, chúng ta sẽ có thể quay lại tiếp tục làm người. Vậy, việc những người quá thương quý nhau trong vòng đời lần này, khi một người ra đi, người còn lại dễ bị héo hon trong sầu khổ, nhớ nhung, thậm chí nhiều năm sau vẫn nhắc với tình nhớ thương sâu đậm, thậm chí còn hẹn, kiếp sau nguyện lại gặp nhau…

Hồi đó chưa học Phật, mình thấy những điều này thật thâm tình. Sau này học Phật rồi, thấy những điều này thật khá nguy hiểm.

Mình nhớ các thầy nói, người đã đi rồi, ta nên để cho họ yên tâm ra đi trong an lành, không nuối tiếc, không bám chấp. Và thậm chí, ta không nên thể hiện ra ngoài, rằng ta ngày đêm lưu luyến họ, thương nhớ họ. Như vậy, người ra đi khó thể buông những gì đã thuộc về quá khứ, mà đi tiếp, để làm lại một vòng đời mới cho trọn lành. Hơn nữa, nếu họ có đủ duyên, họ sẽ có thể về thẳng thế giới Cực Lạc, nghĩa là, thật sự vãng sanh, không còn phải quay trở lại trong sinh tử luân hồi nữa! Như vậy, hóa ra sự nhớ tiếc của ta vô hình chung lại đang làm cản trở tiến trình giải thoát của người thân người thương của chúng ta hay sao!

Trước đây, mình đã từng đọc qua cuốn sách Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau của tiến sĩ, bác sĩ tâm lý Brian Weiss. Ông là một nhà thôi miên hồi quy, và thông qua những thời thôi miên cho bệnh nhân, ông đã phát hiện ra nhiều điều có liên quan đến tiền kiếp, mà trong đó, có một trường hợp được ông kể chi tiết trong sách, có liên quan mật thiết với những lời hứa hẹn. Hai con người nọ, khi sống cùng nhau trong một đời kiếp ý nghĩa nào đó, đã buông lời hẹn thề ‘Đời đời kiếp kiếp bên nhau’. Thế là những đời dài về sau đó, họ kiểu gì cũng phải bôn ba muôn nơi, tìm ra nhau cho bằng được. Mà bạn biết rồi, khi hết một kiếp này, buông thân xác vật lý mà ra đi rồi, sinh lại đời sau dưới hình hài một em bé, làm sao ta nhớ kiếp trước ta là ai, đã gặp ai, có ai trong cuộc đời. Và cũng vì ‘mắc lời hứa’ như vậy, mà nhiều kiếp sống sau đó, nhân vật nữ hầu như không tìm thấy được hạnh phúc hay sự cân bằng trong đời sống bình thường, tất cả như dẫn dắt cô đi tìm bằng trực giác, đi qua nhiều pha éo le đau khổ, để đi tìm người soulmate - tâm hồn tri kỷ kia của cô.

Mình đọc xong cuốn sách, thật sự thương thì có thương, mà thấy… mệt quá.

Cái hồi nhỏ hơn chưa ý thức kỹ về tác động mãnh liệt của sự khởi duyên qua ý nghĩ, hành động, lời nói, mọi việc đều có vẻ tùy tiện hơn, lời hứa cũng được phát ra thoải mái hơn. Bây giờ, càng ngày sống càng biết ý thức, thu cái miệng lại, thu hành động lại, cũng thu luôn ý nghĩ lại. Suy nghĩ của ta, nó có một lực tác động âm thầm mà mạnh mẽ đến không ngờ. ‘Ý dẫn đầu các pháp’, Đức Phật đã dạy như vậy mà!

Hồi đó thấy việc sống cũng vui, thăng trầm lên xuống cũng là một phần bắt buộc của cuộc sống. Giờ lớn dần, bắt đầu ngộ thắm thiết cái ý mà Thầy tụi mình đã nói, hồi đó khi Thầy lặn lội về từ phương xa, dạy cho tụi mình Phật pháp căn bản đầu tiên, cũng truyền cho chúng mình sự vi diệu của các thể loại Nhân số học. Thầy nói, được làm người khó lắm, ráng mà tranh thủ thời gian còn được làm người mà ráng dốc lòng tu để sớm ngày thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Ngày qua ngày trôi, càng ngày mình càng thấm nhuần cái ước mong lớn đó của Thầy. Để rồi, dần dà, ước mong lớn ấy của Thầy bây giờ cũng trở thành ước mơ cháy bỏng của mình. Cho nên mình hiểu, còn quyến luyến thương nhớ ai, là còn tung sợi dây duyên từ mình ra mà cột chặt lấy với người đó, để rồi, đời sau kiếp sau hay kiếp sau nữa, ta sẽ phải bằng vô thức đi tìm kiếm cho được người đó. Giả sử đời này bạn yêu thương quý mến chục người, nghĩa là bạn còn phải tái sanh lại nhiều đời nữa để đi giải quyết cho xong cái ước mơ được cột duyên với chục người đó. Nói thì thấy dễ lắm, nhưng cuộc đời và Vũ trụ sẽ luôn khéo léo sắp xếp cho các bạn ở ti tỉ phương trời cách biệt, biết tìm nhau làm sao? Để rồi nhiều khi, những đời sau ta lại sống trong khắc khoải…

Như để chạm thêm cho cái sự ngộ này của mình được rốt ráo, gần đây mình đủ duyên đọc được bài viết về Thầy Tịnh Không độ cho Mẹ Thầy được vãng sanh. Mẹ Thầy sinh thời còn không ăn chay được, thích ăn cá, Thầy âm thầm dùng công phu tu tập niệm Phật hồi hướng cho bà, để rồi cuối cùng bà vẫn ra đi trong an lạc. Nhiều người hỏi Thầy có thương nhớ mẹ không, Thầy nói nhớ chứ. Nhưng nếu thật sự thương nhau nhớ nhau, hãy đừng hẹn sớm gặp lại nhau ở kiếp sau, mà hãy hẹn gặp lại nhau ở chốn Tây Phương Cực Lạc nha! Như vậy, một mặt ta đang nguyện cầu cho người thương của ta sớm chạm đến miền đất an lạc vĩnh hằng ấy, mà mặt kia, ta cũng đang chính ‘đặt cho mình một vé’ để đi đến Cực Lạc Tây Phương luôn rồi! Vì ta biết, để có thể chạm đến cõi đất an lạc đó, ta phải không ngừng tu tập, niệm Phật, sám hối cho nghiệp cũ tiêu tán, tập buông chấp, buông ái dục để không còn bị gắn dính vào những gì ‘thuộc về ta’ ở đời này kiếp này. Cũng năng đoạn ác tùng thiện để không tạo thêm những ác nghiệp mới, thì mới nhẹ gánh được… Nói chung, một khi đã phát ra được lời hứa thiêng liêng ấy rồi, chắc chắn bánh xe duyên sẽ từ từ lăn bạn bằng cả ý thức lẫn vô thức, để bạn dần đạt được những ‘tiêu chuẩn’ đủ thanh nhẹ, để đâu một vài chục năm nữa, khi nào mỏi gối chân chồn mà tới giờ phải ‘bái bai’ cuộc đời này, bạn đã vô cùng nhẹ nhàng, thư thái, ung dung mà bước lên cỗ xe thời gian, đưa bạn ra đi mà về với cõi đẹp lành kia. Nơi mà bạn biết rằng, cũng theo nguyện, bạn sẽ gặp lại tất cả những người thân người thương của bạn ở đó. Và đó mới là ngôi nhà vĩnh hằng thực sự mà chúng ta nên trú lại lâu dài.

Sự ngộ này đến với mình ở chặng sắp sửa bước vào tuổi 50, tính ra không quá sớm nhưng cũng không tính là quá trễ. Mình vẫn còn được khối thời gian để chuyên cần sám hối, niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Và hơn thế nữa, vẫn như một ‘nhiệm vụ’ quen thuộc, mình sẽ có thể lan tỏa sự ngộ này đến những bạn hữu duyên quanh mình. Mong rằng càng ngày sẽ có nhiều người trong chúng ta bớt đi những sự thương nhớ theo dạng níu kéo, lưu luyến người thân đã khuất, mà thay vào, mỗi khi nhớ thiết tha người ấy, chỉ nên mỉm cười mà gửi niệm lành, cầu nguyện cho người đó được sớm vãng sanh Cực Lạc.

Để rồi, ta cũng sẽ biết, hễ thật lòng thương nhau lắm, muốn được ở bên nhau thật là dài lâu, ta sẽ hẹn người thương, người thân của ta gặp lại ở Cực Lạc quốc, nhé!

Gửi niệm lành cho tất cả,

7.7.2023 - Nhân sinh nhật đầu tiên của Cha mình khi Cha không còn tại thế.

(QH)

Tags : MC Quỳnh Hương, ngẫm và ngộ của quỳnh, quỳnh's share
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

close nav