Một trong những cái duyên lớn của nhà MayQ chúng mình là luôn được lắng nghe và chia sẻ với rất nhiều nỗi niềm đang tồn tại đâu đó, trong cuộc sống của mỗi người. Những năm trước đây, khi còn làm Thay lời muốn nói, những câu chuyện về tình thương vẫn luôn bàng bạc, len lỏi vào trong rất nhiều chủ đề phát sóng. Cho đến khi duyên truyền hình khép lại, tụi mình chuyển hướng sang những chuyến đi hay những khóa Quản trị cuộc sống với Nhân số học, chúng mình lại tiếp tục đủ duyên để lắng nghe những chia sẻ từ mọi người. Dưới góc nhìn của Nhân số học, chúng mình được lắng nghe ở một cách thức sâu hơn, vi tế hơn, từ đó, những câu chuyện cũng trở nên đậm đà hơn, và đôi khi, nó có thể gợi cho chúng mình một vài suy ngẫm rất sâu đậm.
“Những ‘đề thi’ về tình thương” - cứ mỗi lần ‘chạm’ đến đề tài này, đoạn trích dẫn dưới đây, vẫn vẹn nguyên giá trị: Thương và được thương, có lẽ là một trong những điều mà con người ta quan tâm và khao khát có được khi đến đời này. Nhưng có lẽ, cũng chính tình thương, lại là thứ khiến con người ta đôi khi dành cả một đời để đau đáu suy nghĩ, là thứ khiến con người ta đau, người ta tổn thương và dành một đời để đi chữa lành.
Dạo gần đây, mình để ý, thấy những tín hiệu, những ‘bài khảo’ tình thương cứ lặp đi lặp lại ở những người xung quanh mình khá nhiều. Cho đến một buổi nọ vào một buổi lắng nghe chia sẻ của các thành viên khóa Cấp độ 4 Online gần đây, tín hiệu lặp lại quá rõ nét, đã khiến mình cảm thấy đã đến lúc phải viết bài này. Tụi mình đã nghĩ ra khá nhiều tựa đề khác nhau cho nó, nhưng rốt cục, có lẽ cụm từ ‘Lằn ranh mong manh’, vỏn vẹn bốn từ ấy thôi, đã đủ để diễn tả hết trạng thái vi tế của những ‘bài thi’ dạng này.
Câu chuyện đầu tiên là từ một bạn nữ ngoài 40, một độ tuổi có thể được coi là đã chạm đến ngưỡng tuổi chín chắn, trưởng thành của đời người. Sau khi phân tích cuộc đời mình thông qua tất cả dữ liệu trong các biểu đồ Nhân số học của bạn, bạn bảo so với Cấp độ 2, giờ đây bạn ổn hơn rất nhiều. Nhưng vài giây sau đó, bạn lại ngập ngừng hỏi mình: “Duy chỉ có một điều làm em chưa an vui, và cần sự tư vấn từ mọi người. Em đang có một mối quan hệ, với em là rất trong sáng và em rất tôn trọng mối quan hệ này. Nhưng những người xung quanh em, họ không nhìn thấy nó trong sáng như vậy, mà lại dè bỉu, chỉ trích em. Vậy em nên phải hành xử như thế nào?”. Chi tiết hơn, bạn chia sẻ: “Em thật sự đã trải qua khá nhiều bài thi về tình thương rồi. Bằng cách thực hành sự quán chiếu thân tâm, dùng những phương pháp biết ơn, yêu thương, dùng thiền tập để quán chiếu bản thân,... Cho đến thời điểm này, những bài thi tình thương ở các mối quan hệ khác, dường như em đã giải quyết êm đẹp, xoay chuyển tốt và khá bình ổn. Tuy nhiên, bài thi mà em mới chia sẻ ở trên, có vẻ như nó vẫn làm em cảm thấy băn khoăn, có gì đó vẫn còn một chút lấn cấn, khiến em chưa thật sự an vui trong cuộc sống”.
Mình nói bạn, hãy miêu tả cụ thể hơn về mối quan hệ này, thì mình mới có thể hiểu hơn và cho bạn những góp ý cụ thể được. Bạn bảo: “Đây là một người cháu, thật sự em rất thương bạn luôn. Em trân trọng bạn ấy và không hiểu sao, em lại thương bạn đó nhiều như vậy”. Mình hỏi lại, “một người cháu” có nghĩa là cháu ruột của em hay sao? Có phải là mối quan hệ huyết thống không? Bạn bảo không, bạn này nhỏ tuổi hơn em nhiều, và em thương bạn như thương cháu em thôi.
Nghe bạn chia sẻ đến đây, mình ý thức được rằng, việc này cần phải nói chuyện với nhau một cách cẩn trọng và nghiêm túc hơn. Mình hỏi thêm: “Em có gia đình riêng không? Nếu em đang là người độc thân thì em cứ tiếp tục sống tiếp với cách mà em đang sống, đừng quá quan tâm đến người ngoài có thể nghĩ gì, vì suy cho cùng, tất cả những gì em đang sống cũng không vi phạm pháp luật, cũng không vi phạm đạo đức.” Thế nhưng, đáp lại sự khuyến khích của mình, sau một chút ngần ngại, bạn ấy lại nói: “Em là người đã có gia đình, em và chồng em vẫn đang sống với nhau. Các con cũng đang lớn bình thường”.
Mình im lặng một lúc. Ngẫm về một số câu chuyện đâu đó cũng xảy ra gần đây khiến mình phải để tâm quan sát, mình nghiêm túc nói: “Trong trường hợp này, em phải thật sự cẩn trọng với mối quan hệ với cậu bé mà em gọi bằng cháu kia. Thật ra, trong những mối quan hệ ngoài chồng/ngoài vợ đang diễn ra trong cuộc sống, ít có ai ban đầu đã đến với nhau bằng ý nghĩ thẳng thừng là muốn chinh phục đối phương, như là để đi tìm người yêu cả. Chính vì thế mà trong khoảng thời gian đầu, mọi cái có thể sẽ rất trong sáng, dễ thương và thánh thiện. Tuy nhiên, những gì chúng ta trải qua sau đó, không đơn giản như ta nghĩ. Vì trong tất cả các mối quan hệ tình cảm, ít khi nào có một lằn ranh quá rõ ràng. Trong khi thực tế là, khi bạn đã có gia đình, nghĩa là bạn đã có một ranh giới cần xác lập và bạn phải tôn trọng lằn ranh đó. Việc bạn trở nên quá mức thân thiết với một người khác phái nào, thật sự đều phải hết sức thận trọng”.
Quan sát và lắng nghe nhiều, mình hiểu, mối hôn nhân nào cũng không thể ngọt ngào, mặn nồng như khoảng thời gian mới yêu, mới cưới nhau. Lúc mới yêu, có thể tha thiết mặn nồng lắm đấy, nhưng khi cưới nhau về rồi, tình yêu mặn nồng đó sẽ chỉ kéo dài khoảng vài năm đầu, rồi sau đó, mọi thứ sẽ dần phai đi ít nhiều theo mức độ quen thuộc, theo những sự lặp đi lặp lại của nhịp sống thường ngày, của những mối lo toan cơm áo gạo tiền…, cùng những bận tâm đau đầu với muôn bài thi khó trong các mối quan hệ. Trong giai đoạn nhạt phai đó, nếu không luôn ý thức cố gắng giữ lấy nhau trong tình thương, trong cái nghĩa, trong sự tôn trọng, thì sẽ không ít khoảnh khắc, ta thấy lòng mình nguội lạnh đi, một khoảng cách vô hình dần được xuất hiện, khiến cho sự gắn kết của hai con người trong một mối hôn nhân chỉ còn là một sợi dây mỏng manh, lỏng lẻo. Mà, vũ trụ này cũng rõ ràng lắm, cuộc sống bạn là như thế thôi, hễ phai nhạt chỗ này, sẽ thấy mình có khả năng đôi khi bị hút về một hướng khác. ‘Lằn ranh’ hôn nhân ấy mong manh đến mức, chỉ cần một người buông tay hoặc phạm vào, cũng có thể đứt gãy bất cứ lúc nào. Trong cùng khi đó, những ‘nhân tố mới’ xuất hiện, với độ dễ thương, hợp ý, ‘cùng tần số’…, tự nhiên bạn sẽ có khuynh hướng muốn kết thân. Những cuộc giao tiếp ban đầu chỉ dừng lại ở việc hợp nhau, dẫn đến ngày càng gần nhau và gần nhau hơn… Bạn thấy mình và người ta có thể chia sẻ với nhau rất nhiều điều ‘hợp rơ’ trong cuộc sống, và điều ấy khiến bạn cứ thích được gắn bó với phía ấy mãi thôi. Dần dà, việc ấy đã trở thành một thói quen, và bạn không hề nhận ra, bạn với người phối ngẫu chính thức của bạn đã dần trở nên nhạt phai, nhạt đến bạn chỉ cầm giữ sợi dây liên lạc với họ như là một loại phản xạ, một trách nhiệm tối thiểu. Còn lại, toàn bộ niềm vui, sự quan tâm mà bạn muốn hướng về, muốn được gắn bó, thì lại chuyển sang một hướng khác mất rồi.
Khi đã ở trong hoàn cảnh này, nhiều bạn tự trấn an bản thân, tự nói với chính mình, rằng mối quan hệ vợ chồng của mình vẫn đang ổn mà. Tuy nhiên, điều này thật sự rất vi tế và nguy hiểm, bởi thêm một lần nữa, ở đây, ranh giới giữa ‘tình bạn’ và ‘hơn tình bạn’ đôi khi chỉ cách nhau có một lằn ranh. Và lằn ranh ấy lại cũng vô cùng mong manh, mà không phải lúc nào bạn cũng giữ bạn được ở bên này bờ an toàn.
Khi mức độ thân thiết ở tần suất cứ được lặp đi lặp lại với một mức độ ngày càng phát triển như thế, đến một lúc, bạn sẽ thấy lòng mình có những chênh chao dao động. Ở đây, điều này thật khó gọi tên cụ thể là gì, nhưng nó đang kéo bạn gắn với người ta nhiều hơn như thế nữa. Và trong hành trình ấy, sẽ không khỏi có những lúc duyên đẩy đưa, khiến bạn sẽ có khả năng đi lố giới hạn, đạp qua ‘lằn ranh mong manh’ của mối quan hệ chưa được gọi tên ấy, mà bước lố đi một bước. Đáng sợ rằng, đây là một con đường ‘tiến dễ khó lùi’, dẫn tới từ một bước đầu tiên ấy sẽ dắt dây thêm nhiều bước nữa, càng dẫn những người trong cuộc dấn sâu hơn vào trong một ‘nồi canh hẹ’ rối beng ngày càng khó gỡ, để càng ngày người trong cuộc càng thấy đây đúng là một tình trạng ‘vui ngắn khổ dài’, với càng ngày càng thêm nhiều hệ lụy khó giải quyết về tình vợ chồng - nhất là khi trong một mối quan hệ hôn nhân đã có con cái, với mọi người xung quanh… Có những người đã phải dành cả một đời loay hoay, để tìm cách bước lùi lại. Nhưng bước lùi đó, kèm theo rất nhiều sự tổn thương, đổ vỡ, thậm chí cần rất nhiều sự dũng cảm của chính bản thân những người đã lỡ lấn bước. Trong mối quan hệ ‘lố lằn ranh mong manh’ này đang tồn tại hai nhân tố. Sẽ may mắn hơn nếu cả hai nhân tố đó có cùng ý thức, đều cố gắng lùi lại, đó cũng đã là một sự khó khăn. Huống gì, trong thực tế, không hiếm những trường hợp, một bên muốn lùi, một bên lại không sẵn lòng. Lúc bấy giờ, liệu bạn có đủ khả năng để lùi lại hay không?
Đây có thể coi như một ‘bài thi’ điển hình của đại đa số những cuộc hôn nhân trải qua một thời gian đủ dài và đủ lâu, và cũng khó có một người trưởng thành đã có gia đình nào dám vỗ ngực nói ta chưa từng hay không bao giờ gặp phải. Cũng thật trùng hợp, trong cùng buổi trao đổi của khóa Cấp độ 4 Online hôm ấy, sau khi bạn thành viên đầu tiên này chia sẻ vừa xong, chỉ sau vài người nữa, lại có thêm một thành viên khác trong một hoàn cảnh tương tự. Sau một hồi đắn đo, đấu tranh nội tâm rất mạnh mẽ, bạn thứ hai này thừa nhận rằng: “Em cũng đang thi bài thi tương tự như vậy. Em rất biết ơn chị đi trước đã dũng cảm nói ra vấn đề này, để mọi người có thể chính thức mở ra một cuộc trò chuyện, để em biết đây là một dạng ‘tín hiệu’ của Vũ trụ nhắc nhở em rồi. Và vậy là em cũng phải dũng cảm, làm một sự lùi lại”.
Ở trường hợp đầu tiên, cô bạn ấy chưa bước qua ‘lằn ranh’, việc cô ấy cần làm là hết sức cảnh giác, để mình đừng bước qua ‘lằn ranh mong manh’ đó. Trong khi ở trường hợp thứ hai, bạn ấy đã lỡ bước qua ‘lằn ranh’ mất rồi. Theo lời kể, cô ấy đang mắc bài thi tình cảm với một người đồng nghiệp đã làm việc cùng cô rất nhiều năm, nhưng chỉ khoảng gần một năm nay, ‘lằn ranh’ ấy mới bị phá vỡ. Mình hỏi cô, tại sao gần một năm nay, chuyện đó mới xảy ra trong khi họ đã làm việc với nhau từ rất nhiều năm trước? Cô bảo: “Vì cách đây một năm, anh ấy mới ngỏ lời với em. Và em, cũng không thể kiểm soát tình cảm của mình lại được”.
Những năm sau này, khi bắt đầu học Phật, nghe pháp, mình cũng càng ngày càng ngộ ra rằng, chúng ta đến đời này, gặp được nhau, gắn với nhau, đều là do những mắc xích buộc ràng của duyên và nợ. Vì vậy, nếu có một lúc nào đó, tự nhiên mình cảm thấy mình thương một người nào đó nhiều quá, có nghĩa là mình với người đó phải có nhiều mối duyên nợ gì, đã gắn với nhau từ một hoặc nhiều đời kiếp sống trước đây. Tuy nhiên, duyên nợ của mình với người đó ở đời kiếp này không đủ chín muồi, không lớn bằng với người chính thức là vợ/chồng hợp pháp của mình. Chính vì vậy, mới xảy ra những chuyện làm mình cảm thấy bối rối, loay hoay và rối lòng như vậy.
Có những lúc, lý trí bảo bạn lùi lại, hoặc bảo phải đứng im như vậy, không được tiến nữa nha,... nhưng con tim lại không như ý bạn muốn. Những lúc như vậy, thật ra, ý thức của bạn yếu ớt lắm, nó không điều khiển được hành vi và bạn đang bị dẫn dắt bởi tàng thức, nghiệp thức, đi theo những hành xử, những quyết định như vậy. Nếu xét theo nhân quả, thì đây chính là lúc nghiệp quả đang vận hành. Nghiệp thức ấy đang dẫn bạn đi theo đúng lộ trình mà bạn cần phải đi qua. Nếu bạn chỉ dùng quyết tâm hay ý thức, thật sự sẽ không mấy hiệu quả. Chính vì vậy, bên cạnh giữ một khoảng cách nhất định, như một ranh giới tương đối rõ ràng hơn để bạn không phạm qua, thì mỗi người nên tự ngỏ một lời với Ơn Trên, với một Đấng Tâm linh mà bạn có duyên, mở lòng một cách chân thành và thành khẩn, về bài thi của mình, và xin được giúp đỡ cho bạn có thêm lực đủ sức quay trở lại bờ an toàn. Nếu bạn không thừa nhận đây là bài thi của bạn, bạn chưa có ý thức phải dừng lại và xây một khoảng cách an toàn, thì không có một ‘Tha lực’ nào, dẫu có thiêng liêng hay mạnh mẽ đến đâu, có thể giúp bạn được hết.
Ngẫu nhiên là cả hai thành viên cùng thi bài thi ‘lằn ranh mong manh’ mà mình kể ở trên đều có năm sinh cộng lại bằng số 6, con số mang năng lượng của tình yêu thương, hoặc ngược lại, có thể gặp nhiều bài khảo về tình yêu thương. Đây có thể là một trong những tín hiệu để chúng ta soi chiếu lại chính mình, xem mình có liên quan đến bài thi như vậy hay không. Tuy nhiên mở rộng ra, ngay cả khi nếu bạn không có con số 6 nào, thì vẫn hoàn toàn có khả năng đi qua bài thi này, đặc biệt với những ai đang bước qua lứa tuổi 30 trở lên, với những ‘ranh giới mong manh’ mà người ta hay gọi ‘khủng hoảng tuổi trung niên’. Thời điểm này là thời điểm các cuộc hôn nhân đi vào giai đoạn bình ổn, lặp lại dễ dẫn đến sự nhàm chán. Và vì vậy, nếu bạn không ý thức được khả năng dính mắc vào bài thi này, thì đại đa số các cặp đôi đều bị khảo như vậy.
Liên tục sau câu chuyện của hai thành viên tại Cấp độ 4 Online này, tại khóa Cấp độ 2 Offline diễn ra ngay sau đó ở Hồ Lak, cũng có rất nhiều trường hợp trong hoàn cảnh tương tự. Có cả các thành viên nam lẫn thành viên nữ chia sẻ rằng gia đình cũng từng trải qua những bài thi về ‘lằn ranh mong manh’ như vậy. May mà những lần ấy, gia đình các bạn đã vượt qua được…
Ở một buổi chia sẻ ở một khóa Cấp độ 4 khác, một bạn nữ khác thật lòng, bạn và chồng không cùng làm chung một công ty. Với đặc thù công việc của bạn, mỗi ngày bạn gặp khá nhiều người. Vì không làm việc cùng nhau, nên bạn và chồng của mình gần như không có những điểm chung trong công việc, không có trò chuyện, chia sẻ cùng nhau. Trong lúc đó, có những con người mới xuất hiện dưới dạng là những đối tác, khách hàng,... và không hiếm khi, những con người mới đó làm bạn có chút dao động. Bạn nói: “Mỗi lần có một người mới xuất hiện, là em lại ráng tỉnh giác hết sức. Em phải luôn tự quán, “Đây là bài thi của mình”. Em dùng tất cả sự sám hối của em, đọc Ho’Oponopono, Sám hối cho oan gia trái chủ, cầu nguyện Ơn Trên cứu con. Và cứ thế, em từng bước an lành đi qua từng ‘tập’ bài thi của mình”.
Mình biết, để giữ bản thân trong trạng thái luôn tỉnh giác, và an lành vượt qua những lúc con tim dao động như vậy, không phải là điều dễ dàng. Ai đến đời này cũng để thi bài thi của riêng mình. Quan trọng là bạn phải luôn quan sát tâm mình thật vững, để biết chuyện gì đang xảy ra, và trong lúc còn tỉnh giác, chưa hoàn toàn bị nghiệp lực dẫn dắt cuốn đi vào những mối quan hệ có khả năng vượt lố một bước khỏi những ‘lằn ranh mong manh’, phải chủ động tỉnh táo giữ mình và những ai có thể phát sinh những mối quan hệ đặc thù như vậy, ở những khoảng cách tương đối an toàn.
Có một ‘phương thuốc’ rất hữu hiệu luôn được mình chia sẻ cho các thành viên trong những khóa Nhân số học, chính là thực hành Ho’Oponopono, cho tất cả những ai đem những bài thi đặc biệt ấy đến cho ta. Từ bốn câu “Tôi xin lỗi/Hãy tha thứ cho tôi/Cảm ơn bạn/Thương lắm!”, cứ đọc đi đọc lại mỗi ngày, quán tưởng hình ảnh của người ấy trong lúc đọc, sẽ giúp xóa mờ, cắt đứt tất cả những nhân duyên ân oán, những người đi tới làm cho bạn mệt mỏi, hoặc đang thu hút bạn bằng cách lạ lùng đó.
Nếu ai có Đức tin, đặc biệt là những bạn có duyên với Phật pháp, thì có thể thực hành thêm việc sám hối cho oan gia trái chủ, đặc biệt là đọc Quyển 5, Quyển 6 của Lương Hoàng Sám. Hai chương đó nói rất rõ về việc hóa giải chướng duyên trong các mối quan hệ. Nào giờ mình cứ nghĩ những ai làm mình khó chịu, bực dọc, thấy ghét mới là oan gia của mình. Nhưng ở đây, bài thi xuất hiện ở khía cạnh mới, vi tế hơn. Bất kỳ ai đến với bạn, làm cho bạn cảm thấy rất thương, rất nhớ, rất quý theo cách không giống bình thường, trong khi bạn đã có những ràng buộc về hôn nhân, thì đó cũng là một dạng ‘chủ nợ tình cảm’ với bạn.
Bên cạnh đó, với những ai đang không nằm trong những hoàn cảnh tương tự, bạn cũng có thể chủ động đọc Ho’Oponopono và sám hối, trước khi nó trổ quả, vì những gì đã trổ thành quả thì sẽ rất khó giải quyết. Mỗi ngày, sám hối và nguyện cầu Ơn Trên, che chở, soi đường dẫn lối cho con đi đúng đường, và luôn tỉnh táo nhận ra đâu là nhân duyên và đâu là những ‘bài khảo’ của mình. Nguyện cho con đủ duyên lành sám hối và xin lỗi với tất cả những người mà con đã từng gây ra cho họ khổ đau về tình cảm từ vô lượng kiếp sống trước đây, để những mối lương duyên con gặp trong cuộc sống đều là những mối quan hệ trong lành, thuần thiết, không có khả năng phát sinh nguy hiểm.
Và quan trọng nhất, mỗi lần thấy trái tim mình rung rinh những nhịp đập hân hoan với một ai đó không phải là người bạn đời chính thức của mình, hãy tập phản xạ ‘đánh hơi’ về sự nguy hiểm ẩn tàng. Đó là khi ta hiểu, sợi dây kết nối ta với người bạn đời chính thức của ta đang lỏng lẻo lắm, rất cần những sự gia cố thêm, bằng cả tấm lòng. Những lúc ấy, thay vì để cho bản thân tự được ru ngủ, hay dỗ dành, lôi kéo trong những niềm vui bên ngoài chồng vợ ấy, ta hãy chủ động cắt ra một khoảng thời gian đủ lớn, năng lượng và tâm huyết đủ lớn, về hâm nóng lại mái gia đình của chính mình. Nếu bạn đời ta đang không sẵn sàng, được thôi, ta là người chủ động. Bằng những cách thức cố gắng kết nối, mở lòng chia sẻ những gì ta đang cảm nhận trong lòng, và thiện chí ‘tưới hoa’ - tức giãi bày những tình cảm chân thành của ta đến người bạn đời chính thức của mình, rồi sẽ có lúc ta nhận ra, khi phần đế bên trong đủ vững chắc, ta không có quá nhiều nhu cầu để nghiêng ngả đâu ra phía bên ngoài. Và ta sẽ thêm một lần nhận ra, vợ chồng đến với nhau là duyên nợ sâu đậm, không phải dễ dàng xử lý sao cũng được. Cưới nhau chỉ là bước bắt đầu. Giữ nhau được đến đầu bạc răng long, đó là cả một thiện ý, một nỗ lực, một sự thấu hiểu những quy luật và bài thi của Vũ trụ. Mà ở đây, ‘giữ nhau’ không phải bằng nghĩa vụ pháp luật hay đạo đức, bằng trách nhiệm nhạt nhẽo, mà bằng cả tấm lòng ‘thương yêu dài lâu’, hay ‘thương lại từ đầu’ của mỗi gia đình.
Ước nguyện rằng mọi người, những ai đang trong bài thi ‘lằn ranh mong manh’ này, luôn đủ tỉnh táo và an lành, đi qua những bài thi về tình thương của chính mình. Để rồi ta thấu hiểu, dẫu mọi cái ban đầu có vẻ hấp dẫn, thu hút hay hợp nhau đến mấy chăng nữa, đây chẳng qua cũng chỉ là một ‘bài thi’ mà thôi, bài thi quá đỗi vi tế, mà giữ được đừng phạm, ‘điểm cộng’ của bạn với Vũ trụ sẽ rất lớn. Trong đó, phần thưởng lớn nhất mà ta được hưởng, chính là những đêm ngủ ngon không dằn vặt trăn trở, những nụ cười thương yêu trọn vẹn và đầy đặn mà các đứa con của ta nhìn về ta, và nhìn về phía trước của chúng…
Rất xứng đáng cho mỗi người có động lực để mình tỉnh giác thật tốt, thật thường trực, phải không.
Gửi niệm lành cho tất cả.
(6.11.2024 - QH & MayQ Team)